Bất động sản Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ bình ổn!

Dù đã có những vòng quay chệch choạc trong tháng cuối năm 2015 và thông tin siết vốn vào bất động sản đầu năm nay khiến con đường dẫn đến quyết định xuống tiền của người mua nhà dài ra một chút, nhưng báo cáo của các công ty tư vấn thị trường và khảo sát của Đầu tư Bất động sản vẫn cho thấy một quý đầu năm khá suôn sẻ với thị trường địa ốc.
+ Dù bắt đầu năm 2016 với khá nhiều thông tin bất lợi, như thông tin siết vốn vào bất động sản đầu năm nay, nhưng trong quý I/2016, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản cả nước vẫn đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây với tỷ lệ 3,43%, trong khi con số của năm 2015 chỉ đạt 2,55%. Cùng đó, tính đến cuối tháng 1/2016, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt gần 395.000 tỷ đồng, tăng 26,07% so với cuối năm 2014 và tăng 0,31% so với thời điểm cuối năm 2015.

+ Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã có hơn 300 khu công nghiệp – trong đó các khu công nghiệp thu hút nhiều vốn đầu nằm ở một số tỉnh thành chính bao gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh, TP.HCM, Đồng Nai, v.v.. Riêng trong quý 1/2016, tổng số vốn đăng ký cấp mới và bổ sung FDI đạt 4,03 tỷ USD – tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015, vốn thực hiện ước đạt 3,5 tỷ usd – tăng 14,8%. Dự báo, trong thời gian tới thị trường BĐS khu công nghiệp sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại trong thời gian tới khi Chính phủ đặt nhiều quyết tâm trong việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang tăng lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.


+ Kết thúc quý I/2016, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội đã tăng 5,5% theo quý và 8,7% theo năm. Còn nếu tính cả năm 2016, dự kiến sẽ có 9 dự án mới gia nhập thị trường, cung cấp khoảng 127.000 m² mặt bằng cho thuê. So với quý cuối năm 2015, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình tại tất cả các hạng văn phòng cho thuê đều tăng. Cụ thể, giá thuê văn phòng hạng A tăng 0,2% theo quý; hạng B và hạng C cũng tăng lần lượt 1,8% và 2,1% theo quý. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hạng A tăng 0,4 điểm phần trăm theo quý, hạng B tăng 0,6 điểm phần trăm và hạng C tăng 0,1 điểm phần trăm.

+ Tại TP.HCM năm 2016 khởi đầu với số lượng căn hộ mở bán mới tăng mạnh 38% so với cùng kỳ năm 2015, tổng cộng có 7.708 căn hộ, nhiều nhất là phân khúc bình dân và trung cấp (chiếm khoảng 73% tổng cung chào bán mới). Các dự án chào bán mới tiếp tục tập trung ở khu Đông (48%) và khu Nam (31%). Đặc biệt trong quý I/2016, khu Tây trở nên sôi động hơn và chiếm tỷ trọng 11% trong tổng cung chào bán mới.

+ Theo đánh giá của các nhà đầu tư, bên cạnh khu Nam và khu Đông TP.HCM, thị trường khu vực phía Tây Bắc ngày càng hấp dẫn, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang khu vực này của một số chủ đầu tư. Bởi giá đất rẻ hơn, quỹ đất còn dồi dào và kết nối hạ tầng cũng được cải thiện trong những năm qua. Sôi động nhất trong trục phía Tây Bắc là quận Tân Phú kéo đến các vùng giáp ranh với tỉnh Long An, nơi có nguồn cung tăng tốc rất nhanh, trùng hợp với quy hoạch tuyến metro số 2 sẽ đi qua các trục giao thông huyết mạch của quận.

+ Thị trường bất động sản khu công nghiệp đang đi lên mạnh mẽ cũng kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chỉ hướng sự quan tâm đến bất động sản khu công nghiệp mà đang bỏ qua phân khúc nhà ở. Giới chuyên gia cho rằng, vấn đề căn hộ an cư cho người lao động nếu không được giải quyết sẽ không chỉ gây khó khăn trong việc thu hút người lao động mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội cho chính quyền tỉnh địa phương.

+ Báo cáo gần đây về giá nhà ở tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy, hiện Việt Nam có tới 40% dân số có thu nhập không đủ để mua nhà. Nguyên nhân là do giá nhà tại Việt Nam vẫn khá cao, nằm ngoài khả năng chi trả của những người thu nhập thấp từ 5 triệu đồng. Và chỉ những người có mức thu nhập từ 10,3 triệu đồng trở lên mới có đủ khả năng mua nhà do các chủ dự án xây.
Previous
Next Post »